Nga giúp Việt Nam thiết kế tàu chở quân hiện đại?



Tại triển lãm quốc tế về công nghệ đóng tàu, hàng hải và vận tải biển (Vietship 2014) diễn ra ở  trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), nhà máy đóng tàu 189 đã bất ngờ trưng bày một mô hình tàu chở quân cho Hải quân Việt Nam.

Mô hình tàu chở quân ST194. Ảnh Kienthuc.net
Được đặt tên là tàu chở quân ST194, đây là một thiết kế tàu hải quân mới của nhà máy 189 thiết kế cho Quân chủng Hải quân để tiến tới việc đóng mới và đưa vào trang bị, tăng cường khả năng cơ động và sức mạnh chiến đấu cho Hải quân Việt Nam trong những năm tới.

Theo các thông số kỹ thuật được nhà máy 189 tiết lộ, tàu ST194 có chiều dài 30m, rộng 6,5m, cao 3m, tốc độ 21 hải lý/h, dùng vật liệu vỏ hợp kim nhôm.

Các thông số kỹ thuật khác cũng như khả năng chở quân của tàu ST194 chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, dựa trên quan sát từ hình ảnh mô hình thiết kế của tàu, có thể thấy ST194 được trang bị một giá súng máy đặt ở phía trước mũi tàu (có khả năng cao là loại súng máy 12,7mm hoặc 14,5mm). Tàu được thiết kế với cấu trúc rất nhỏ, gọn, linh hoạt.

Dựa trên mô hình và mục đích thiết kế của ST194 là vận chuyển quân. Có thể nhận định khoang dưới của tháp điều hành là nơi chuyên chở binh lính, gồm 2 khoang có các cửa sổ kính dọc theo mạn tàu.

Biến thể từ tàu tuần tra Grachonok Nga?

Tuy nhiên, hình ảnh về mô hình tàu vận tải quân ST194 lại có những điểm thiết kế rất giống với loại tàu tuần tra chống khủng bố Project 21980 Grachonok do Viện thiết kế hải quân Vympel ở Nizhniy Novgorod (Nga) phát triển và đóng tại nhà máy Zelenodolsk - nơi đang xây dựng cho Hải quân Việt Nam 2 tàu hộ tống Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự giống nhau đến ngạc nhiên giữa thiết kế của ST194 và Project 21980 của Nga
Rõ ràng, về thiết kế cấu trúc khung vỏ bên ngoài, ST194 và Project 21980 là rất giống nhau, nhưng do mục đích thiết kế của ST194 là chuyên vận chuyển quân, vì thế phần thân chính của tàu được kéo dài tối đa về phần đuôi để tăng thêm diện tích bố trí binh lính. ST194 còn được thiết kế có hàng rào thép ở trước mũi trong khi Project 21980 thì không. Tuy nhiên, đặc điểm khác nhau này là không đáng kể.

Thông số kỹ thuật tương ứng của ST194 và Project 21980 lần lượt là: chiều dài 30/30m; rộng 6,5/7,3m; tốc độ tối đa 21/23 hải lý/giờ. Như vậy, các thông số này nói lên kích thước của 2 con tàu không khác nhau là mấy.

Cần nhớ lại rằng, trong lịch sử đóng tàu hải quân của Việt Nam, hầu hết các thiết kế tàu hải quân tự đóng trong nước như tàu tên lửa BPS-500, Project 1241.8 Molniya hay tàu pháo TT-400TP đều được thiết kế dựa trên những đề án đã được chứng thực hiệu quả của Nga và Ukraina - hai đối tác truyền thống lâu đời trong ngành đóng tàu quân sự.

Hai đơn vị phụ trách việc thiết kế và đóng các tàu tuần tra Project 21980 của Nga là Văn phòng Vympel và nhà máy đóng tàu Zelenodolsk là những bạn hàng thân thiết, đã từng tham gia cung cấp nhiều loại tàu hải quân cho Việt Nam như tàu tên lửa Gepard 3.9, Molniya và pháo hạm Svetlyak. Chính vì thế, việc hai bên cùng nhau tạo ra một thiết kế tàu hải quân mới dựa trên các dự án đã chứng minh hiệu quả như Project 21980 là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, hợp tác cùng thiết kế cũng sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu được thời gian thiết kế, qua đó tiết kiệm chi phí và có thêm nhiều kinh nghiệm đóng tàu, tiến tới dần dần tự chủ ngành công nghiệp đóng tàu hải quân hiện đại trong tương lai.


PVD
Bình luận(Facebook)
1 Bình luận(Blogger)
Bình luận(G+)
| Copyright © 2013 Vietnam Defence