MiG-25 - 'tạm biệt' một huyền thoại

Trong năm 1964, chiến đấu cơ tuyệt đỉnh MiG-25 của Liên Xô lần đầu tiên thực hiện chuyến bay lên bầu trời. Nó được thiết kế đặc biệt cho nhiệm vụ đánh chặn các máy bay gián điệp của Không quân Mỹ, MiG-25 có thể dễ dàng đạt đến tốc độ bay Mach 2.8 (nhanh hơn gần 3 lần tốc độ âm thanh).

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, ở thời kỳ MiG-25 xuất hiện, không gì có thể cản trở nó trở thành một biểu tượng khủng khiếp nhất, chỉ có loại máy bay gián điệp SR-71 Blackbird của Mỹ là nhanh hơn chút ít.

Trong gần 25 năm hoạt động kể từ cuối những năm 1960, Foxbats đã được triển khai tới hầu hết các căn cứ dọc biên giới để sẵn sàng phóng tên lửa nhắm vào những chiếc SR-71. Nhưng trong số đó, chỉ có một biến thể MiG-25R cho nhiệm vụ trinh sát/giám sát là có thời gian hoạt động lâu nhất.

Đạt tốc độ bay siêu nhanh và siêu cao, các máy bay MiG-25 của Liên Xô/Nga chính là câu trả lời cho SR-71 của Không quân Mỹ. Và khi những chiếc Blackbird cuối cùng phải ngừng hoạt động vào cuối những năm 1990, thì những chiếc MiG-25R được trang bị camera trinh sát vẫn còn hoạt động tới tháng 12/2013, bởi chúng đã quá già và quá tốn kém để bay lên bầu trời.

Không quân Mỹ, lực lượng hùng mạnh nhất thế giới đã thay thế SR-71 bằng các máy bay do thám không người lái tàng hình trước radar. Trong khi Nga vẫn cố gắng dựa vào những chiếc Foxbat già nua mà không có được sự thay thế trực tiếp nào, điều đó đã làm suy yếu đáng kể khả năng đánh chặn trên không của Moscow trước các đối thủ tiềm tàng của họ.

'Bất khả xâm phạm'

Có thể bay nhanh hơn để vượt qua một hệ thống phòng không bình thường là một nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng MiG-25R cũng giống như SR-71, nó gần như không hề bị tổn thương trước đối phương.

Được chế tạo từ các tấm thép niken chịu nhiệt và một số hợp kim titan, cùng 2 động cơ phản lực Tumansky đạt lực đẩy "không tưởng", tới 45.000 pounds (khoảng 20.400kg), MiG-25 đại diện cho một sự tiến bộ khủng khiếp về công nghệ quân sự quân đội Sô Viết thời Chiến Tranh Lạnh.

MiG-25 được trang bị một radar Smerch-A có thể dẫn đường cho tên lửa đánh chặn R-40 tấn công mục tiêu ở cự li xa tới 65km. Khi còn phục vụ trong Không quân Liên Xô, MiG-25 đã chứng minh được sự nguy hiểm của nó với các kế hoạch chiến tranh của Mỹ và NATO. Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, một chiếc MiG-25 của Iraq đã bắn rơi một chiếc máy bay F/A-18 và năm 2002 bắn rơi một máy bay không người lái Predator của Không quân Mỹ.

Tuy nhiên, biến thể trinh sát của MiG-25 mới được các chuyên gia phương Tây đánh giá cao nhất. Hầu hết các nước sử dụng Foxbat đã bắt đầu cho chúng nghỉ hưu từ những năm 1990 do chi phí vận hành tốn kém, sử dụng phức tạp và tuổi thọ của khung thân và động cơ ngắn. Tuy nhiên, Nga và một số nước còn lại vẫn tiếp tục giữ lại các máy bay MiG-25R cho nhiệm vụ trinh sát. Theo các số liệu cho thấy, tới tháng 1/2013 Không quân nga vẫn triển khai hơn 20 chiếc Foxbat ở hai căn cứ.

MiG-25RBT là một biến thể trinh sát ảnh với một cameras gắn ở trên mũi. MiG-25RBF có thể nhận được các tín hiệu điện từ phát ra từ các radar của đối phương, còn MiG-25R từng tham gia bay gián điệp ở Chechnya và Ingushetia trong những năm 1990.

SR-71 đã được Mỹ thay thế bằng các máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-170, RQ-4, và chẳng bao lâu nữa là cả RQ-180, nhưng công nghiệp không gian của Nga vẫn không dựa vào các máy bay robot. Và khi các vệ tinh chỉ soi được những vị trí cố định từ không gian thì MiG-25R vẫn là giải pháp tốt nhất để Moscow có thể tìm kiếm mục tiêu của đối phương mà không cần báo trước. Các máy bay ném bom Su-24 và Tu-22 cũng có thể mang theo cameras, nhưng có tốc độ bay chậm hơn MiG-25 và dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không của đối phương.

Các phi đội MiG-25R của Không quân Nga dần dần được thu nhỏ lại và chỉ còn một số chiếc còn được triển khai ở căn cứ không quân Monchegorsk ở vùng Tây Bắc đất nước. Điện Kremlin đã bắt đầu sửa chữa lại đường băng ở Monchegorsk vào cuối năm 2013 và chính thức đưa những chiếc MiG-25R cuối cùng ra khỏi phục vụ trong tháng 12/2013.

Một số lượng nhỏ MiG-25 được báo cáo là vẫn đang được bảo trì hoạt động ở Algeria, Armenia, Azerbaijan và Syria.

Theo nhận định của các chuyên gia quân sự phương Tây, việc Nga chính thức loại bỏ toàn bộ các máy bay MiG-25 ra khỏi phục vụ sẽ tạo ra một khoảng trống về khả năng trinh sát của quân đội nước này. Tuy nhiên, cũng có thể Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự vắng mặt MiG-25 trong không quân của họ, có thể là một vài máy bay có người lái mới, hoặc cũng có thể là những dự án UAV trinh sát bí mật hơn đã hoàn thành.

Theo Combataircraft
Bình luận(Facebook)
0 Bình luận(Blogger)
Bình luận(G+)
| Copyright © 2013 Vietnam Defence